Cộng với hàng chục nghìn xe vô chủ khác, các bãi trông giữ xe vi phạm ngày càng quá tải, trong khi thủ tục xử lý đối với những chiếc xe này rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Làm sao để giải quyết thực trạng này?
Bỏ xe trốn phạt, mua xe mới để đi
Đầu tháng 7/2020, sau ca làm buổi chiều, ông N.V.L. (SN 1974, trú thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngồi lai rai với các thợ nề tại công trình.
Sau cuộc nhậu, ông L. chạy xe máy về nhà trọ tại quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) trong tình trạng hơi men chếnh choáng. Trên đường Thăng Long, ông L. bị Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng yêu cầu dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Với mức vi phạm 0,73 miligam/1 lít khí thở, ông L. phải chịu mức phạt 7 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện. Ngoài ra, ông L. cũng không có GPLX theo quy định.
Tuy nhiên, chiếc xe máy hiệu Wave Alpha dùng hơn chục năm nếu có bán cũng không được 5 triệu đồng, trong khi ông L. còn mắc thêm lỗi không có GPLX nên ông L. đã ngậm ngùi quyết định bỏ luôn chiếc xe và mua một chiếc xe mới với giá 3 triệu đồng để làm phương tiện đi lại.
Anh Nguyễn Văn Hải, trú TP HCM từng vi phạm giao thông và bị CSGT Công an quận 9 giữ xe cho biết: “Cách đây hai tháng, tôi bị giữ xe vì vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cao quá nên bỏ xe luôn.
Xe máy tôi mua lại với giá 6 triệu đồng đi được 5 năm nay rồi, giờ bị phạt tới 7 triệu đồng thì thôi bỏ luôn, mua xe mới chứ tiền đâu mà đóng phạt”.
Tương tự, chiều 17/7, tại trụ sở Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6 cho PV Báo Giao thông xem biên bản vi phạm của một trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn.
Đó là anh Nguyễn Văn T. (trú quận Ba Đình, Hà Nội). Trước đó, anh T. lưu thông trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy thì bị tổ công tác Đội CSGT số 6 dừng xe kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả, anh T. vi phạm 0,8 miligam/1 lít khí thở. “Xin xỏ không được, anh T. bỏ đi, không kí vào biên bản, tổ công tác phải lấy chữ ký của người làm chứng rồi đưa phương tiện về trụ sở. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, anh T. vẫn không chịu đến trụ sở của Đội để giải quyết”, Đại úy Chinh thông tin.
Theo Đại úy Chinh, không chỉ những trường hợp vi phạm nồng độ cồn mà đối với các xe cũ, nát, xe không có giấy tờ, đăng ký, xe gian, xe nghi tang vật của vụ án, hầu như người vi phạm cũng bỏ luôn xe mà không chấp hành việc nộp phạt.
“Đối với những phương tiện này toàn xe cũ, giá trị không lớn, giấy tờ bị mất, đi làm lại thì phiền hà vì không chính chủ, trong khi mức phạt theo Nghị định 100 lại cao, nên chủ xe thường bỏ luôn”, Đại úy Chinh nói.
Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - xử lý, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng thuộc Phòng đã phát hiện, xử lý và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 313 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 289 mô tô, 24 ô tô.
Đến nay, vẫn còn 93 trường hợp người điều khiển mô tô vi phạm nồng độ cồn chưa đến xử lý. Theo Thiếu tá Tuấn, người vi phạm không đến xử lý như mức phạt vi phạm nồng độ cồn quá cao, có trường hợp mức phạt còn cao hơn cả giá trị của xe máy. Có trường hợp người dân sử dụng xe máy không có đăng ký xe nên không thể làm thủ tục nhận lại phương tiện…
Quá tải bãi trông giữ xe vi phạm
Chính vì tình trạng nhiều người vi phạm sẵn sàng bỏ lại xe, không đóng phạt khiến các bãi trông giữ xe đã quá tải càng thêm quá tải.
Bãi giữ xe rộng hàng nghìn m2 của Công an TP Đà Nẵng hiện đang là nơi tập kết của cả nghìn xe máy bị tạm giữ đã quá hạn xử lý. Trong đó, có gần 100 phương tiện bị tạm giữ do tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Ghi nhận của PV, nhiều xe máy bỏ quá lâu bám đầy bụi bặm, bong tróc bởi nắng mưa.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều bãi xe vi phạm ở Hà Nội. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Thương mại Ngọc Diệp, chủ bãi xe 34 Linh Đường trên địa bàn quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho hay, bãi được Phòng CSGT Hà Nội thuê để giữ xe vi phạm giao thông.
Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng xe dồn về bãi tăng nhiều hơn, nhất là xe máy, cũng vì nguyên nhân mức phạt cao nên nhiều người vi phạm bỏ xe lại. Hiện nay, bãi đang trông giữ khoảng 20 ô tô và hàng nghìn xe máy người vi phạm bỏ không đến giải quyết.
Tại TP HCM, ghi nhận của PV tại kho bãi tạm giữ xe vi phạm của Công an quận 9 cũng cho thấy, có hàng nghìn xe máy đang nằm “lộ thiên” phơi mưa, phơi nắng. Trong khuôn viên của trụ sở Công an quận cũng được chia làm hai bãi, đang tạm giữ khoảng 1.500 xe máy.
Do diện tích chật nên nhiều xe máy được xếp chồng lên nhau để tăng diện tích bãi chứa. Tương tự, bãi giữ xe vi phạm của Công an quận Bình Thạnh trên đường D2 nối dài thuộc phường 25 cũng đang có hàng nghìn xe máy, ô tô, xe ba gác gỉ sét… nằm phơi mưa nắng.
Đại diện đội CSGT Công an quận 9 cho biết, những chiếc xe vi phạm bị bỏ lại ngày càng nhiều, từ đầu năm đến nay đã có 329 trường hợp bị xử phạt về nồng độ cồn, trong đó có hơn 100 trường hợp chưa đến giải quyết.
Hiện, công an quận đang triển khai làm thủ tục thanh lý. Trong thời gian này, đơn vị phải trích ngân sách thực hiện đăng tin, thông báo tìm chủ phương tiện…
Theo Phòng CSGT Công an TPHCM, từ tháng 7/2013 - 9/2019, đã có gần 170.000 xe vi phạm hành chính bị lực lượng CSGT tạm giữ.
Để đảm bảo có chỗ chứa lượng lớn xe vi phạm, Phòng đã xây dựng 5 kho bãi có sức chứa hàng nghìn phương tiện, mặc dù vậy lượng xe vi phạm bị bỏ lại ngày càng tăng. Để khắc phục tình trạng trên, đơn vị đang tích cực đẩy nhanh các quy trình, thủ tục thanh lý, tiêu hủy.
Cảnh sát cho biết, việc chủ xe không đến làm thủ tục xử lý, nhận lại xe khiến cơ quan chức năng khó khăn trong công tác bảo quản. Xe bị giữ lâu ngày phải rút hết xăng để phòng tránh cháy, nổ. Mùi xăng, hóa chất để lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người làm nhiệm vụ bảo quản phương tiện vi phạm…
Xử lý ra sao?
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31 bổ sung, chỉnh sửa một số điều tại Nghị định 115 (ban hành năm 2013) quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu.
Theo đó, trong ba ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm, cảnh sát phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở.
Việc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng được rút ngắn từ ít nhất hai lần như quy định cũ, còn một lần theo quy định mới. Hết thời hạn 30 ngày mà người vi phạm không đến nhận thì cảnh sát sẽ tịch thu phương tiện vi phạm (quy định cũ là một năm).
Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - xử lý, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, quy định này cho phép cơ quan chức năng tịch thu, bán đấu giá sung công quỹ đối với những chiếc xe bị tạm giữ quá 30 ngày mà chủ xe không đến xử lý vi phạm (kể từ thời điểm ra quyết định xử phạt).
“Các xe thuộc diện thanh lý sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết danh sách nơi công cộng, đăng lên trang thông tin điện tử của Công an thành phố trước khi chuyển sang Trung tâm Bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tài chính TP Đà Nẵng) để định giá, đưa ra bán đấu giá”, Thiếu tá Thái Anh Tuấn nói và cho biết thêm, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng vừa chuyển sang Trung tâm Bán đấu giá tài sản 130 xe máy để đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 44 triệu đồng và đang làm thủ tục chuyển sang trung tâm này thêm 120 xe nữa.
Trong khi đó, đại diện một số Đội CSGT trên địa bàn TP HCM cho biết, dù Nghị định 31 đã rút ngắn thời gian về thời hạn người vi phạm phải đến giải quyết (từ một năm xuống còn 30 ngày), song trình tự, thủ tục xử lý, tịch thu, thanh lý phương tiện vi phạm hành chính còn vướng rất nhiều thủ tục nên mất nhiều thời gian.
Quy trình để xử lý các loại xe này thường kéo dài gần một tháng để ra quyết định tịch thu, rồi phải mất từ 6 - 8 tháng, thậm chí là một năm để ra quyết định thanh lý.
Tương tự, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ Xử lý Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho biết, dù quy định thời hạn người vi phạm phải đến chấp hành xử phạt đã được rút ngắn, tuy nhiên theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với những trường hợp cần phải điều tra, xác minh (xe gian, xe nghi tang vật) sẽ mất thời gian hơn nữa, có thể phải mất 90 ngày, sau đó mới làm thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, do vướng mắc thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý nên có những trường hợp phải trình Bộ Công an chứ công an cấp tỉnh không đủ thẩm quyền xử lý.
“Khi chiếc xe được xác định vô chủ, công an sẽ tiêu hủy hoặc tịch thu, đấu giá chiếc xe. Tuy nhiên, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm.
Khi đó, những chiếc xe đã thành đống sắt vụn, số tiền thanh lý xe không đủ trả chi phí vận chuyển xe đi bán, chưa nói gì đến phí trông giữ phương tiện”, Đại úy Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay.
.nguồn báo giao thông