Tin tức mới nhất tại CTy vận tải & Lắp Máy Chuyên Dụng Hà Nội 0243 9169 888

Tin tức mới nhất tại CTy vận tải & Lắp Máy Chuyên Dụng Hà Nội 0243 9169 888 Đã có cách trị xe dù, bến cóc > Dịch vụ Cho thuê xe cẩu tự hành cẩu chuyên dung nhận cẩu hàng nâng hạ giá rẻ tại hà nội > luckyunicron l99 ( dev team ) game TIN TỨC CTY DICH VỤ CẨU NÂNG HÀNG TẠI HÀ NỘI luckyunicron l99 ( dev team ) game
Xem tin bài

Đã có cách trị xe dù, bến cóc
09 Tháng Mười 2015 :: 11:54 SA :: 3669 Views

Việc quy hoạch chi tiết các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh là một bước đột phá để tạo sự minh bạch, bình đẳng, xóa “xin - cho” khi cấp phép tham gia tuyến.


Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Quyết định số 2.288 phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách (VTHK) cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đưa vào khuôn phép
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, số tuyến VTHK hiện đang khai thác đưa vào quy hoạch là 3.910, đến năm 2020 sẽ có thêm 725 tuyến mới được quy hoạch bổ sung, nâng tổng số tuyến quy hoạch đến năm 2020 là 4.635 tuyến.
Tiếp đến, trong giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên khai thác hiệu quả các bến xe xã hội hóa đã đầu tư xây dựng chưa đủ công suất và tổ chức các tuyến VTHK công cộng bằng xe buýt liên tỉnh đối với tuyến có thời gian giãn cách giữa các chuyến xe ngắn.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho rằng với điều kiện địa lý của Việt Nam, các tuyến đường thường rất dài nên dễ xảy ra tình trạng trùng tuyến như tuyến Hà Nội - Thái Bình trùng với Hà Nội - Nam Định. Tuy nhiên, khi triển khai quy hoạch, sẽ có dự báo và có tính kết nối để hạn chế trùng tuyến. “Quy hoạch để hài hòa giữa các lợi ích, tránh lãng phí. Chẳng hạn tuyến A chỉ có lưu lượng như vậy thì chỉ cần từng đó phương tiện, không cần đầu tư thêm xe, không cấp thêm giấy phép mới mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ” - bà Hiền phân tích.
Về thủ tục cấp phép cho các tuyến vận tải khi thực hiện quy hoạch, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ - cho biết hiện nay trong Thông tư 63/2014 không còn quy định tuyến trên hay dưới 1.000 km nữa và đã phân cấp về cho địa phương thực hiện. Quy hoạch mới không làm thay đổi thủ tục và quy định cấp phép hiện nay. Về tình trạng các doanh nghiệp (DN) mở tuyến, căn cứ quy hoạch, định kỳ 6 tháng/lần, các DN bổ sung tuyến gửi sở GTVT địa phương, sở GTVT gửi bổ sung sang Tổng cục Đường bộ và Vụ Vận tải, sau đó căn cứ theo tiêu chí quy định để phê duyệt.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng quy hoạch lại các tuyến VTHK cố định là hết sức cần thiết bởi các tuyến VTHK cố định cần phải sắp xếp lại, không thể để hoạt động này lộn xộn như hiện nay.
“Nhà nước công khai minh bạch thì DN cũng sẽ phải làm ăn đàng hoàng, phục vụ hành khách tốt hơn. Không thể chấp nhận kiểu làm ăn chụp giật, xã hội đen hoành hành, nhóm lợi ích thao túng” - ông Thanh nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện hoạt động VTHK tuyến cố định tồn tại rất nhiều bất cập. Đáng kể nhất là tình trạng trùng tuyến dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Trên một số tuyến còn xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Do đó, quy hoạch lại là điều kiện tiên quyết để các tuyến VTHK cố định hoạt động hiệu quả, xóa tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để một tuyến VTHK cố định hoạt động có hiệu quả, phải có lưu lượng hành khách đủ lớn. Vì vậy, quy hoạch luồng tuyến để định hướng cho phát triển VTHK, tránh tình trạng phát triển quá manh mún, cung vượt cầu, gây rối loạn môi trường kinh doanh vận tải là điều tối cần thiết.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, để quy hoạch VTHK tuyến cố định phát huy hiệu quả như mong đợi thì tới đây hằng năm, các sở GTVT sẽ phải công bố trên tuyến này có bao nhiêu xe, lưu lượng xe cần thiết trên tuyến như thế nào để các DN biết được nhu cầu thực tế khi tham gia kinh doanh vận tải. Như vậy, sẽ tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ cơ chế xin - cho hiện nay.
Tuyến “nóng” sẽ phải đấu thầu
Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện nay việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải rất khó bởi các DN sau khi tham gia kinh doanh thường hoạt động vĩnh viễn trên tuyến. Thực tế, hiện tại cũng một chiếc xe đó nhưng hoạt động 10-12 năm. Khi không hoạt động nữa, họ bán cho DN khác. Vì tâm lý đó nên các đơn vị vận tải không chịu thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ.
“Để nâng cao chất lượng dịch vụ, cần nghiên cứu để đấu thầu khai thác tuyến dựa trên việc xây dựng tiêu chí của các tuyến đưa vào đấu thầu và căn cứ vào tiêu chí để lựa chọn DN. Điều này trong quy hoạch mới thể hiện rất rõ” - bà Hiền cho biết.
Cụ thể, quy hoạch mới này nêu sẽ nghiên cứu triển khai đấu thầu khai thác các tuyến VTHK cố định liên tỉnh có lưu lượng vận tải lớn, có nhiều DN vận tải cùng tham gia khai thác trên tuyến.
Để tiến hành việc đấu thầu, theo đại diện Vụ Vận tải, cơ quan chức năng sẽ tính toán về khả năng thu hồi khấu hao của DN (từ 3-5 năm), từ đó tính thêm thời gian có lãi (khoảng 7-8 năm tính từ khi đầu tư). Thay vì để các DN hoạt động vĩnh viễn trên tuyến, sau thời gian này sẽ tiến hành thu hồi và đấu thầu nhằm lập lại chất lượng dịch vụ. Khi đó, các DN mới, có chất lượng tốt hơn sẽ được tham gia đấu thầu với các DN cũ.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng nếu việc đấu thầu ở các tuyến “nóng” thực sự nâng cao chất lượng dịch vụ thì sau đó Vụ Vận tải và Tổng cục Đường bộ cũng nên xem xét đến tuyến huyện vì hiện trùng lặp nhiều để loại bỏ tình trạng các nhà xe giành giật khách dọc đường.
“Nếu rà soát lại được quy hoạch tuyến huyện, tôi cho rằng phải dư ra 20% lượng phương tiện hiện nay” - ông Liên cho biết.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng tiêu chí để khi có điều kiện là tiến hành đấu thầu.
 

 

28 Tháng Ba 2024       Đăng Nhập 
http://vantaihanoi.vn | Thỏa Thuận Dịch Vụ | Bảo Vệ Thông Tin