Đáng sợ hơn, trên tuyến có rất nhiều khúc cua tay áo, bên núi cao, bên vực thẳm, bất kể phương tiện nào chủ quan đều rất dễ bị “tử thần” gọi tên. Thậm chí, nhiều người còn ví QL217 giống như một “cung đường chết”, bởi hàng năm rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng.
Nỗi ám ảnh của hành khách trên cung đường này phần nào vơi bớt khi đầu tháng 6/2013, dự án nâng cấp, mở rộng QL217 (giai đoạn 1) dài khoảng 88,2km, bắt đầu từ ngã ba Đồng Tâm (Bá Thước - tỉnh Thanh Hóa), kết thúc tại cửa khẩu Na Mèo - Nặm Xổi, được Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư khoảng 97,4 triệu USD, gồm: Vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 75 triệu USD và vốn đối ứng trong nước 22,4 triệu USD. Tuyến chính của dự án đoạn từ Km 107+200 - Km 195+400 (cửa khẩu Na Mèo) được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, gồm hai làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h. Dự án cũng xây dựng hai tuyến tránh Đông và Tây thị trấn Cẩm Thủy (Thanh Hóa), xây dựng mới cầu Eo Lê tại lý trình Km 38+383,67 và đường hai đầu cầu từ Km 38+131,8 - Km 38+920,3.
Đến đầu năm 2016, giai đoạn 1 của dự án nâng cấp QL217 đã được Bộ GTVT hoàn thành, đưa vào khai thác. Vào năm 2018, Bộ GTVT tiếp tục giao Ban QLDA Thăng Long triển khai nâng cấp 47km thuộc giai đoạn 2 của dự án đầu tư nâng cấp QL217 qua địa bàn 3 huyện: Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng phòng điều hành dự án 4 (PMU Thăng Long) cho biết, dự án nâng cấp QL217 giai đoạn 2 bao gồm phần tuyến chính dài 44,6km và phần nút giao vượt đường sắt Bắc - Nam và QL1A dài 2,4km. Dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác từ đầu năm 2020.
Kết nối vùng Đông Bắc Lào với phía Bắc Việt Nam
Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, QL217 có vai trò đặc biệt quan trọng trong Chương trình Hợp tác Kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), cùng với tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn (Lào) kết nối vùng Đông Bắc Lào với phía Bắc Việt Nam, thông ra cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp các tuyến đường này để tối đa hóa tiềm năng kinh tế của hành lang Đông Bắc GMS và giúp cho phía Bắc Lào tiếp cận thuận lợi với cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa).
“Trước kia, đi từ TP.Thanh Hóa lên tới cửa khẩu Na Mèo vất vả vô cùng, phải mất cả ngày mới lên tới nơi, nguy hiểm trên đường luôn rình rập. Bây giờ, dự án đã hoàn thành cả hai giai đoạn, thời gian đi lại rút xuống chỉ còn khoảng 3 - 4 tiếng, phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn, không phải nơm nớp lo sợ như trước kia”, ông Dục chia sẻ.
Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, QL217 là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối giao thông các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, QL217 còn đóng vai trò kết nối thông thương giữa Khu kinh tế biển Nghi Sơn, trung tâm TP.Thanh Hóa với Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo và tỉnh Hủa Phăn (Lào).
“Tuyến QL217 kết nối với đường vành đai tuần tra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nhất là đồng bào thuộc khu vực các xã giáp biên giới trên địa bàn huyện Quan Sơn. Cuộc sống mưu sinh của đồng bào được đảm bảo sẽ tạo thuận lợi cho quốc phòng, an ninh ở vùng biên giới”, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Nguồn báo giao thông