Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại những đoạn đường đèo dốc, ảnh hưởng đến tâm lý của không ít tài xế và hành khách. Tuy nhiên, các vụ tai nạn có thể được giảm thiểu nếu có thêm đường lánh nạn.
Đơn cử, vào lúc 2 giờ sáng nay (25/7), chiếc xe khách biển kiểm soát 36B-02.437 của nhà xe Hải Định chở 30 hành khách lưu thông hướng Điện Biên - Hà Nội, đến Km116+900 QL6 địa bàn tỉnh Hòa Bình bị mất phanh. Rất may tại địa điểm này có đường lánh nạn nên chiếc xe khách này đã kịp thời lao vào đây và tránh được hậu quả đáng tiếc có thế xảy ra.
Anh Nguyễn Ngọc Kiên, trú tại xóm Vó, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc - một người dân sống ngay cạnh đoạn dốc này cho biết: "Đoạn dốc này rất nguy hiểm, khi chưa có đường lánh nạn, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Đáng nói, ngay dưới chân dốc là chợ Phú Cường, nếu không có đường lánh nạn, chẳng may xe lao xuống chợ thì hậu quả sẽ rất lớn".
“
Ô tô bị mất phanh thường có xu hướng lao nhanh, lái xe xử lý tốt thường chọn cách cho xe lao vào vách núi. Tốc độ xe càng cao, hậu quả càng lớn. Khi có đường lánh nạn, lái xe thường cố gắng lái xe vào đường này để chạy hết đà sẽ dừng lại vì đường lánh nạn được thiết kế có độ dốc ngược so với chiều di chuyển của xe. Thực tế cho thấy, các xe khi xảy ra sự cố mất phanh, lao sang đường lánh nạn đều dừng lại an toàn.
”
Ông Nguyễn Văn Hưng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ 4, Công ty cổ phần quản lý đường bộ 222 cho biết, thời điểm xe khách mất phanh, trên xe có 30 hành khách, nhờ có đường lánh nạn mà tai nạn thảm khốc không xảy ra.
Cũng theo ông Hưng, trên tuyến QL6 có lưu lượng xe rất lớn, với khoảng 3.000 xe/ngày đêm. Trong đó, xe khách chạy tuyến Hà Nội - Sơn La - Điện Biên khoảng hơn 200 xe với hàng trăm lượt. Từ đầu năm đến nay, chưa kể các điểm đường lánh nạn khác trên tuyến, chỉ tính riêng điểm cứu nạn tại Km116+900 đã cứu được 4 vụ xe mất phanh và không có thiệt hại về người.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trong trường hợp xe mất phanh mà gặp được đường cứu nạn sẽ tránh được nguy cơ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
“Trên các cung đường đèo dốc, kết cầu hạ tầng chưa hoàn thiện, độ dốc lớn, đường quanh co. Do vậy, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đánh giá toàn diện về kết cấu hạ tầng trên các tuyến đèo dốc, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu. Để hạn chế tai nạn giao thông tại các đường đèo dốc địa bàn các tỉnh miền núi, Tổng cục Đường bộ VN đang rà soát tất cả các đường đèo dốc, trước mắt sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường miền núi trọng điểm”, ông Lăng cho biết.
Nguồn báo giao thông.