Các đơn vị kinh doanh vận tải đang phải đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua khi sản lượng vận chuyển sụt giảm mạnh.
Doanh nghiệp chịu bù lỗ, lo phá sản
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, lượng khách tại các bến xe khách lớn của Hà Nội như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình những ngày gần đây rất vắng. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, trước đây trung bình bến xe đón khoảng 10 nghìn hành khách/ngày nhưng thời điểm này lượng khách đã giảm một nửa. Một số nhà xe cũng giảm 15 - 20% lượng xe so với trước.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại bến xe Miền Tây (TP HCM) khi các quầy vé đều trống trải. Theo thống kê, lượng khách hành đi - đến bến trong 10 ngày sau Tết giảm gần 20% so với Tết năm trước.
Tại các địa phương khác như: Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng... số lượng hành khách qua bến đều sụt giảm từ 30 - 50%, tác động lớn tới các đơn vị vận tải.
Một chủ nhà xe có tuyến xe chạy đường dài từ bến xe Giáp Bát - Đà Nẵng cũng ngán ngẩm cho biết: “Nếu dịch kéo dài và tình hình không được cải thiện, chúng tôi chỉ còn nước phá sản”. Còn đại diện nhà xe M.H có 4 xe chuyên chạy tuyến Vinh - Hà Nội lo ngại: “Cứ đà ngày doanh nghiệp sẽ lỗ nặng. Chi phí tiền xăng dầu, lơ lái, phí cầu đường mỗi chuyến mất 3 triệu đồng. Trong khi, hiện mỗi chuyến chỉ có 5 - 7 hành khách, nhân với giá vé 200.000 đồng/lượt thì chúng tôi phải bù lỗ một nửa”.
Xe buýt, taxi chung số phận
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về sự sụt giảm, song theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các chuyến xe buýt tại Hà Nội những ngày này rất vắng khách, một phần do lượng lớn sinh viên, học sinh đang được nghỉ để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân rất có thể là do người dân đã hạn chế di chuyển, sử dụng phương tiện công cộng trong những ngày qua do lo sợ lây nhiễm dịch bệnh.
|