Không phải đến bây giờ mà từ nhiều tháng trước, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương từng kiến nghị với Chính phủ cho dừng thu loại phí này. Bởi lẽ thời gian qua, việc quản lý số lượng xe máy, tổ chức thu phí và nộp vào ngân sách ở từng địa phương có cách làm khác nhau, chưa đồng bộ, thiếu thống nhất dẫn đến hiệu quả thấp. Bằng chứng là trong gần 3 năm qua, số tiền thu phí xe máy không nhiều. Năm 2013-2014, mỗi năm thu được trên 550 tỉ đồng; nửa đầu năm nay chỉ thu được gần 175 tỉ đồng.
Thực tế cho thấy dù việc thu phí xe máy phù hợp với Luật Giao thông đường bộ và Pháp lệnh Phí, lệ phí nhưng chế tài xử phạt người không nộp phí theo thông tư của Bộ Tài chính chưa khả thi, càng rất khó kiểm soát vì thẩm quyền xử phạt không phải do công an mà do cơ quan thuế, sở chuyên ngành và UBND các cấp thực hiện. Hơn nữa, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện công tác thu phí không được quy định rõ trong các văn bản quy phạm nên việc nộp phí chủ yếu do người dân tự giác, vô hình trung tạo ra sự thiếu công bằng dẫn đến dư luận không tốt.
Cho nên việc lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải căn cứ tình hình thực tế, tiếp thu dư luận để kiến nghị Chính phủ dừng thu phí xe máy là hoàn toàn phù hợp.
Rõ ràng bất kỳ một khoản phí, lệ phí nào khi thu cũng phải trả lời được các câu hỏi về tính hợp pháp, đặc biệt là phải hợp lòng dân.
Từ câu chuyện phí xe máy cho thấy còn không ít lỗ hổng trong công tác thu phí, lệ phí. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan hữu trách, từ trung ương đến địa phương cần rà soát các loại phí và lệ phí (kể cả trong danh mục theo quy định cũng như ngoài danh mục) để bãi bỏ những khoản đóng góp không hợp lý, thậm chí còn có chuyện phí chồng phí, gây khó khăn cho người dân.
Khi thu cũng phải công bằng, dựa trên quy định của pháp luật về phí và lệ phí, tránh trường hợp cào bằng như kiểu thu phí xe máy vừa qua là xe đi ít hoặc nhiều; xe đắt hay rẻ tiền đều nộp một khoản phí như nhau.
Suy cho cùng, mọi khoản chi từ ngân sách cho các công trình hạ tầng cơ sở, phúc lợi dân sinh; trong đó có cả việc mở rộng, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường bộ đều từ tiền thuế của người dân, kể cả những dự án BOT có vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng thì người dân cũng phải đóng phí. Vì thế, việc sử dụng tiền thuế và các khoản phí đó sao cho hiệu quả, tránh tham nhũng, thất thoát là cách tốt nhất để giảm gánh nặng cho người dân.