Theo kế hoạch được Sở GTVT Hà Nội công bố ngày 4/6, để giảm tải cho bến xe Mỹ Đình và giảm ùn tắc phương tiện ra vào thành phố, các tuyến xe được phân bổ như xe đi phía nam sẽ tập trung tại các bến phía nam, xe phía bắc khởi hành tại bến phía bắc... từ ngày 20/7.
Cụ thể, bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm sẽ tiếp nhận xe đi các tuyến quốc lộ 1A, Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1B, quốc lộ 5, 18; bến xe Mỹ Đình sẽ có xe đi các tuyến quốc lộ 32, 2, 3, đại lộ Thăng Long; bến xe Gia Lâm và Lương Yên sẽ tiếp nhận xe đi quốc lộ 1A, 1B, 3,5, 18; bến xe Yên Nghĩa có xe đi các tuyến quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, quốc lộ 1B.
Như vậy, ước tính 359 lượt xe đi từ bến xe Mỹ Đình sẽ chuyển đến các bến khác: xe đi Hòa Bình về bến Yên Nghĩa; xe đi Hà Nam, Nam Định, Thái Bình sẽ về các bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm.
Bến xe Mỹ Đình cũng sẽ tiếp nhận thêm 77 lượt xe đi Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Thái Nguyên từ bến xe Giáp Bát và xe đi Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên từ bến xe Nước Ngầm.
Để phục vụ người dân đi lại giữa các bến xe, Sở GTVT tổ chức 5 tuyến xe buýt nhanh tăng cường với tần suất 10 phút lưu thông giữa các bến xe, cho phép người dân mang hành lý.
Tại hội nghị sắp xếp luồng tuyến tại bến xe ngày 4/6, một số lãnh đạo địa phương bày tỏ lo ngại khi việc đi lại của người dân sẽ bị xáo trộn. Ông Vũ Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Bình cho biết, khi bến xe Mỹ Đình mới hoạt động có rất ít xe vào khai thác, các doanh nghiệp đã phải chịu lỗ khi vào đây. Sau vài năm khi hoạt động, kinh doanh đã ổn định thì các xe lại phải điều chuyển sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, những sinh viên của tỉnh này học khu vực Đại học Quốc gia cũng bị ảnh hưởng vì phải đi lại xa hơn.
"Sở GTVT Hà Nội cần có lộ trình từ nay đến Tết để doanh nghiệp dần điều chỉnh, và thông báo cho người dân được biết. Nếu thay đổi ngay thì doanh nghiệp chưa kịp thích ứng, càng gây khó khăn", ông Vũ Quang nói.
Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Hậu, Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình cho biết, điều chuyển 118 xe đi Hòa Bình ra khỏi bến xe Mỹ Đình là một thay đổi lớn nên cần có lộ trình cho doanh nghiệp thích ứng môi trường mới, nếu không sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và hành khách.
Ông Khuất Việt Hùng, Quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, với nhiều hành khách ở phía nam thành phố sẽ khó khăn khi có nhu cầu đi xe khách ở phía tây nên ông đề nghị Sở GTVT Hà Nội có bố trí một số tuyến xe phục vụ nhu cầu này.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết, bến xe Mỹ Đình thời gian qua hoạt động lộn xộn phần lớn do xe dù, bến cóc. Do vậy, khi điều chuyển xe khách khỏi bến này thì càng phải mạnh mẽ ngăn chặn các xe dù. Bên cạnh đó, cần mở rộng bến xe Mỹ Đình để đáp ứng nhu cầu vận tải.
Trước những ý kiến e ngại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Sở GTVT đã tổ chức kết nối các tuyến xe buýt nhanh để phục vụ người dân đi lại thuận tiện, mỗi doanh nghiệp điều kiện thuận lợi, khó khăn khác nhau song tất cả cần vì cái chung, cùng xây dựng thủ đô văn minh, giao thông thuận lợi, an toàn.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở GTVT cho biết sẽ chấn chỉnh những sách nhiễu tại các bến xe và cơ quan quản lý và yêu cầu các lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông xử lý nghiêm xe dù, bến cóc. Sở GTVT sẽ hỗ trợ tối đa với doanh nghiệp, các xe điều chuyển sẽ được miễn 6 tháng phí hoạt động tại các bến xe.
"Sở GTVT sẽ thiết lập đường dây nóng, nếu bất cứ cán bộ của sở, công ty quản lý bến xe gây nhũng nhiễu với doanh nghiệp sẽ xử lý nghiêm", ông Nguyễn Quốc Hùng cam kết./.