Thị trường xăng dầu Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Năm 2014, sản xuất sản phẩm xăng dầu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu, phải nhập khẩu 70%.
Ngay từ đầu năm 2014, không ai dự báo và đưa ra cảnh báo nào về sự giảm sút bất thường của giá dầu mỏ thế giới. Giá dầu mỏ bắt đầu giảm từ 111 USD/thùng xuống xung quanh 100 USD/thùng rồi 90 USD/thùng, 80 USD, 70 USD và 60 USD/thùng vào giữa tháng 11 năm 2014, dưới 60 USD/thùng, 50 USD/thùng vào tháng 12 năm 2014 – tình trạng giảm bất thường kể từ năm 2008. Trong khi đó, Việt Nam đang tổ chức thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Tính đến ngày 31/12/2014, đã có 12 lần giảm giá xăng với tổng giá trị 7.760 đ/lít; lần có mức giảm lớn nhất là 2.050 đ/lít. Tình hình tổ chức bán lẻ xăng dầu trong lúc giá dầu giảm mạnh liên tục gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối và hệ thống bán lẻ.
Bước sang năm 2015, nhiều dự báo giá hàng hóa cơ bản có xu hướng tụt dốc do nhu cầu tiêu dùng giảm sút; nhu cầu dầu thô tiếp tục giảm ở các nước mới nổi và các nước công nghiệp phát triển. Cuộc chiến dầu lửa vẫn tiếp tục, chưa thấy có hồi kết.(Van tai)
Theo đánh giá của Vinpa, thị trường xăng dầu trong nước năm 2014 không mấy sáng sủa
Trong năm 2015, nếu hết quý I hoặc quý II, nếu “các ông vua dầu lửa” vẫn quyết theo đuổi mục tiêu của mình sẽ khiến thị trường dầu mỏ thế giới vào tình trạng hỗn loạn và tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Theo một quan chức hàng đầu của OPEC thì giá dầu mỏ có thể tăng trở lại vào thời gian ngắn nhất. Đây là động thái mới nhất nhưng lại ít lòng tin vào tín hiệu này. Dự báo giá dầu thô sẽ quay trở lại mức 60 USD – 80 USD/thùng trong năm 2015 là dự báo có lý nếu các ông trùm dầu mỏ ngồi lại với nhau để lập lại trật tự thị trường năm 2015.
Hiện tại chính sách, cơ chế của thị trường xăng dầu của Việt Nam bấy lâu nay đã quen và chỉ đối phó với giá dầu tăng, chứ chưa có cách xử lý, đối phó với giá dầu thế giới giảm bất thường như thời gian qua. Khi giá dầu thế giới tăng, giảm bất thường đều tác động kể cả tích cực, tiêu cực đến kinh tế vì nước ta vừa xuất khẩu dầu thô vừa nhập khẩu sản phẩm xăng dầu.
Dự báo 100 USD/thùng để làm căn cứ vận hành nền kinh tế mở của Quốc hội đúng với nửa đầu năm 2014, song từ giữa năm 2014 giá dầu giảm liên tục đến tháng 12/2014 đã giảm hơn 50%, vì vậy nhiệm vụ dự báo tương đối chính xác giá dầu năm 2015 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Cho dù kịch bản nảo thì mục tiêu bảo vệ cán cân thu chi ngân sách, an ninh năng lượng, ổn định kinh tế vĩ mô, quyền lợi của nhà nước, quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi của doanh nghiệp phải được cân bằng và thị trường xăng dầu Việt Nam phải ổn định, bền vững cạnh tranh lành mạnh.